Tiếp theo bài viết một năm về trước về “nghề xoài” ở Cam Lâm – Khánh Hoà. Với những thành công đã và đang có, nghề xoài đã mang lại một sắc sáng trong cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên để có thể phát triển lâu dài hiệu quả hơn, vẫn còn một số thách thức mà nghề xoài và bà con nơi đây phải vượt qua.
Ồ ạt tự phát chuyển đổi sang giống xoài Úc – rủi ro tiềm tàng.

Ở Cam Lâm – thủ phủ xoài của tỉnh Khánh Hoà vốn trồng 3 loại xoài chính: xoài canh tân (xoài tây) – giống xoài truyền thống của địa phương nhưng đang bị thoái hoá dần theo thời gian; xoài cát Hoà Lộc – giống xoài chất lượng cao, thơm ngon nhưng khó chăm sóc vì khí hậu và sâu bệnh; xoài Úc (giống R2E2) –giống xoài mới từ 2012 trở lại đây, được thương nhân Trung Quốc thu gom rất mạnh, chủ yếu xuất sang TQ qua đường tiểu ngạch.
Xoài cát Hòa Lộc là một trong những giống xoài được xếp vào loại ngon nhất và giá cũng cao nhất so với các loại xoài khác ở nước ta. Xoài Hoà Lộc ăn chín ngon hơn ăn sống.

Giống xoài Úc vừa có nhu lớn từ Trung Quốc, cụ thể là họ sẵn sàng thu gom với giá cao 65.000đ/kg so với giá 47.000đ của một công ty của Úc [Đơn vị mang giống R2E2 này về trồng tại địa phương]. Trước năm 2012, xoài Úc chủ yếu được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu bởi công ty duy nhất của Úc là Công ty TNHH MTV EMU (Việt Nam). Thương lái TQ sang mà bắt đầu cạnh tranh giá gom hàng khiến công ty của Úc khó khăn rất nhiều. Công ty TNHH MTV EMU đã xây dựng được thị trường xuất khẩu xoài Úc sang 7 – 8 đầu mối, đơn hàng ngày một dày thêm. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện thương lái Trung Quốc đẩy giá để thu gom xoài Úc thì công ty không thể cạnh tranh. Có thời điểm, để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu, công ty chấp nhận lỗ, đẩy giá lên đến 47.000 đồng/kg, nhưng vẫn không thu mua được do phía thương lái Trung Quốc cũng mua với giá cao hơn. Để ổn định vùng nguyên liệu, công ty đã mời nông dân ký kết hợp đồng mua bán xoài với công ty nhưng không nông dân nào tham gia.
Bên cạnh yếu tố giá mua cao từ thương lái TQ đó, giống xoài này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chịu hạn khoẻ hơn hẳn so với các giống xoài còn lại ở địa phương. Người trồng xoài Úc vì vậy mà cũng nhàn hơn so với canh tác các giống xoài khác. Mặc dù, xét về chất lượng, xoài Úc không hề ngon hơn so với xoài tây chứ đừng so với xoài cát Hoà Lộc. Tuy nhiên, từ những ưu điểm về thị trường, chăm sóc kể trên mà càng ngày càng có nhiều hộ dân chuyển đổi từ 2 giống còn lại sang canh tác xoài Úc!!! Đặc biệt là điều này xảy ra rất nhanh và hoàn toàn mang tính tự phát. Một số liệu cụ thể minh chứng như sau: Trên địa bàn huyện có 4.663ha trồng xoài, nếu như năm 2014, diện tích xoài Úc chỉ mới có 275ha (trồng mới) thì đến cuối năm 2015, diện tích xoài Úc đã lên đến gần 1.800ha (trồng mới và ghép). Con số này đang tiếp tục tăng khi mà vẫn còn nhiều hộ tiếp tục ghép Úc vào than xoài ta. Riêng xã Cam Hải Tây – “trung tâm xoài” của huyện Cam Lâm thì có 750ha diện tích xoài Úc trên tổng số 975ha trồng xoài.
Đến thôn Bãi Giếng 2 (xã Cam Hải Tây), chúng tôi gặp ông Huỳnh Văn Bảy đang chăm sóc vườn xoài Úc rộng 2ha vừa mới được ghép xong chưa lâu. Ông Bảy nói: “Gia đình tôi đã cắt ngọn, hạ cành gần 300 gốc xoài tây, cát Hòa Lộc để chuyển sang ghép xoài Úc. Nhiều gia đình khác trong vùng cũng cắt các loại xoài khác để chuyển sang ghép xoài Úc, bởi xoài Úc bây giờ là số 1”.
1ha xoài Úc cho thu hoạch trung bình 4 tấn quả, với giá 55 ngàn đồng/kg như hiện nay, người nông dân thu về 220 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư thu lãi đến hơn 150 triệu đồng. Còn với xoài tây, xoài bồ, xoài cát Hòa Lộc giá bán thấp hơn nhiều nên hiệu quả chưa bằng 50% so với xoài Úc. Đó là chưa kể năm nay, hầu hết các vườn trồng xoài tây, xoài bồ, xoài cát Hòa Lộc đều có sản lượng thấp do ảnh hưởng của sương muối, bọ, rầy tấn công và nắng hạn.
Rủi ro từ xu hướng này chính là vì đầu ra của xoài Úc đang phụ thuộc hầu như vào Trung Quốc (TQ). Được biết, TQ cần xoài này do có hình dạng giống như quả “đào tiên” bên họ. Vào những dịp lễ bên TQ, nhu cầu xoài Úc sẽ tăng đột biến. Xuất qua con đường tiểu ngạch, điều kiện tiêu chuẩn cực thấp từ TQ [Chủ yếu quan tâm đến kích thước và màu sắc quả] thì không hiểu, một ngày Trung Quốc không mua nữa thì xoài Úc sẽ còn có thể xuất khẩu đi đâu được? Làm ăn với những tiêu chuẩn đơn giản quen và phụ thuộc toàn bộ vào Trung Quốc là một bài học cũ mà địa phương cần để ý. Bản thân quả xoài Úc chất lượng không đặc biệt bằng những giống xoài còn lại như Hoà Lộc, xoài bồ,… làm sao dễ dàng chuyển đổi khi cần thiết?

Chính vì vậy, nên thận trọng trong chuyển đổi, đa dạng thị trường tránh rủi ro. Xét cho cùng, chất lượng cũng phải là hàng đầu. Tập trung vào những giống xoài ngon như Hoà Lộc, bồ, … với chất lượng cao hơn vẫn bền vững hơn nhiều so với lao vào sản xuất cho TQ. Đến một lúc nào đó, cung xoài Úc thừa thải thì liệu giá bán có còn được cao như bây giờ? Bà con mình vẫn còn hạn chế trong khâu tìm đầu ra cho quả xoài quê nên cứ chạy theo nhau mà trồng xoài Úc. Họ không nhìn thấy được thị trường nội địa hơn 90 triệu dân kia vẫn đang chờ mua xoài ngon chất lượng và quan trọng hơn nữa là an toàn. Xoài Cát Chu vào được Nhật Bản với giá cao ngất ngưỡng, tiêu chuẩn cao nên giờ dù không đủ tiêu chuẩn vào Nhật thì cũng sẵn sàng đi các nước khác. Điều này chứng tỏ thị trường còn rất rộng lớn và đa dạng, vấn đề nằm ở chất lượng và khả năng tìm kiếm thị trường. Thời buổi thông tin đa phương tiện hiện nay, quảng bá xoài cam lâm không phải chuyện không thể làm được. Cá nhân tôi cũng biết khá nhiều nguồn đang có nhu cầu xoài Cam Lâm như xoài cung cấp cho hệ thống siêu thị, xoài bán lẻ ở các thành phố lớn thậm chí là xoài mua làm nguyên liệu sấy để xuất khẩu [Tuy nhiên chất lượng mẫu thử không đạt yêu cầu]. Số lượng của những đơn hàng này cũng rất đa dạng, từ vài trăm ký một lần đến cả hai ba chục tấn cũng có. Quan trọng ở một điểm tất cả đều không phải là xuất cho Trung Quốc!!!.
Chính vì vậy, việc bán xoài đơn thuần nhờ trọng lượng và màu sắc với những tiêu chuẩn kỹ thuật không có như hiện này đặt ra một rủi ro cho nghề xoài Cam Lâm. Về lâu dài, rủi ro ngày càng lớn khi mà nghề xoài là nguồn thu lớn của huyện và của nhiều gia đình. Dù sao đi nữa, chất lượng vẫn là yếu tố quyết định cần phải tập trung. Để làm được điều này cần đa dạng thị trường, hướng đến những thị trường tiêu chuẩn cao nhằm gián tiếp nâng cao chất lượng trồng xoài lên. Bán mãi cho Trung Quốc rồi đến lúc không có bán được cho ai nữa mất thôi!!!
Tưới xoài theo phương pháp nhỏ giọt Israel – hạn hán ngày càng nặng nề.

Nằm trong vùng hạn hán bậc nhất cả nước, Khánh Hoà, nhất là phía nam không tránh khỏi tình trạng khan hiếm nước mỗi mùa khô. Nắm được xu hướng này sẽ còn gia tăng khi khí hậu ngày càng thay đổi, việc thay đổi phương pháp tưới từ tưới tràn sang tưới nhỏ giọt kiểu Israel sẽ là một giải pháp nên được quan tâm. Trên nền đất cát của Cam Lâm, tưới nhỏ giọt sẽ giúp giảm tỷ lệ hao hụt khi tưới của cây xoài nói riêng và cây trồng nói chung. Trước đây, người trồng xoài dùng phương pháp tưới tràn vào gốc hoặc tưới xoay. Công nghệ tưới nhỏ giọt này có ưu điểm là kiểm soát được độ ẩm, chủ động thời gian tưới, đặc biệt tiết kiệm được khoảng 50% lượng nước, 80% công tưới so với tưới trực tiếp vào gốc. Hệ thống đường ống được lắp đặt nhỏ dần, tới gốc xoài chỉ còn ống dây nhỏ đặt vòng quanh cách gốc 1m, đều đặn rỉ từng giọt nước. Nhờ 1 tổ hợp đầu não của bộ phận tưới, được tích hợp qua điện thoại cảm ứng có kết nối wifi nên hoàn toàn có thể tuỳ chỉnh vùng tưới, giờ tưới, lượng nước tới phù hợp từng giai đoạn. Tưới nhỏ giọt chỉ cần 1/3 đến ¼ lượng nước so với tưới thẳng vào gốc cây bằng vòi.
Mọi người quan tâm đến xoài Cam Lâm hoặc bánh xoài vui lòng liên hệ Nam (0944 544 345).
Vui lòng like Facebook Page của chúng tôi để được cập nhật liên tục về tình hình xoài:
SEAmangoes: https://www.facebook.com/seamangoes/
Chạm: https://www.facebook.com/chamkhanhhoa/
CÂY XOÀI VÀ NGHỀ TRỒNG XOÀI Ở CAM LÂM – KHÁNH HÒA
THƯƠNG HIỆU XOÀI CAM LÂM – TỪ KINH NGHIỆM CỦA XOÀI CÁT CHU [ĐỒNG THÁP]
ĐẶC SẢN KHÁNH HOÀ: BÁNH TRÁNG XOÀI
NÔNG NGHIỆP SẠCH CỦA KHÁNH HÒA
CÂY SẦU RIÊNG VÀ NGHỀ TRỒNG SẦU RIÊNG Ở KHÁNH SƠN – KHÁNH HÒA!
Bạn phải đăng nhập để bình luận.