Việc cấp mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu áp dụng cho một số thị trường khó tính như Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh và một số nước thuộc liên minh Châu Âu (EU). Khi xuất khẩu thì thùng hàng phải được ghi mã vùng trồng.
Mã số vùng trồng là gì? Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Nói cách khác, mã số vùng trồng chuyển tải, tích hợp thông tin về sản lượng, thời điểm xuống giống, thời điểm thu hoạch, quy trình canh tác, sản lượng dự kiến…
Mã số vùng trồng có thể được xem là cách thức giới thiệu, quảng bá chất lượng nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Mã số vùng trồng là kênh thông tin, là công cụ để cơ quan quản lý chuyên ngành kịp thời điều chỉnh kế hoạch tiêu thụ, để các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị kho bãi, phương tiện vận chuyển, ngân sách…
Từ mã số định danh vùng trồng, người sản xuất có thể kiểm soát quy trình canh tác, chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu gia đình, đăng ký sản lượng,… Từ mã số định danh vùng trồng, ngành nông nghiệp sẽ có được cơ sở dữ liệu, phân tích, chuyển hoá thành thông tin phục vụ quản lý nhà nước, linh hoạt cập nhật kế hoạch sản xuất theo tín hiệu thị trường. Từ mã số định danh vùng trồng, địa phương chủ động giới thiệu, kêu gọi hợp tác, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, phát triển công nghệ phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến ngay từ vùng nguyên liệu.
Hiện nay, theo thống kê, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả với tổng diện tích 5.870 ha, trong đó: Thanh Long có 3.571 ha xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, New Zealand, Chile; Chôm chôm có 336 ha xuất đi Mỹ; Nhãn có 471 ha xuất đi Mỹ; Xoài có 1.043 ha xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Úc; Vải có 349 ha xuất đi Mỹ, Úc.
Có 18 tỉnh được cấp mã số vùng trồng trên cây ăn quả là: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương và Hà Nội.

Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ưng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
Vậy, hãy cùng xem quy trình để được cấp mã số vùng trồng sẽ như thế nào nhé…

(Xem thêm: NƯỚC MẮM NHA TRANG – MÓN QUÀ MANG “VỊ BIỂN”)
- QUY TRÌNH CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Về cơ bản, khi đăng ký mã số vùng trồng cho trái cây nói chung và nhãn, vải nói riêng xuất khẩu sang thị trường khó tính phải tuân theo những bước sau:
(1) Tổ chức/cá nhân có nhu cầu xuất khẩu trái cây đệ trình yêu cầu lên Cục Bảo vệ thực vật (tại miền Bắc, Trung tâm KDTV SNK I phụ trách thực hiện công việc này).
(2) Cục Bảo vệ thực vật xem xét, rà soát các tài liệu do tổ chức/cá nhân đệ trình. Nếu các tài liệu cần thiết đã được đáp ứng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng trái cây xin cấp mã số. Trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của nước nhập khẩu, cán bộ của Cơ quan BVTV nước nhập khẩu có thể đi theo để cùng đánh giá.
(3) Sau khi kiểm tra và khảo sát, nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí kỹ thuật, Cục BVTV sẽ tiến hành cấp mã số vùng trồng (Production Unit Code – P.U.C). Trong trường hợp vùng trồng chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, Cục BVTV sẽ chỉ đạo các biện pháp khắc phục. Tổ chức/cá nhân xin cấp có thể tiếp tục đăng ký sau khi đã hoàn thiện các yêu cầu còn thiếu;
(4) Cục BVTV sẽ thông báo kết quả và mã số vùng trồng cho tổ chức/ cá nhân đăng ký và gửi mã số đó sang Cơ quan BVTV Quốc gia của nước nhập khẩu. Riêng đối với thị trường Mỹ, Cơ quan BVTV của nước này sẽ cấp lại mã số IRADS (Irradiation Reporting and Accountability Database) dựa trên mã số P.U.C của Cục BVTV. Trường hợp xuất trái cây vào Mỹ, thùng hàng phải có đầy đủ thông tin của 2 loại mã số trên.

(Xem thêm: YẾN SÀO NHA TRANG KHÁNH HOÀ)
2. CÁC TIÊU CHÍ ĐỂ CẤP MÃ SỐ CHO VÙNG TRỒNG
- Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân xin cấp mã số
– Tổ chức, cá nhân xin cấp mã số cho vùng trồng trái cây xuất khẩu phải gửi những bộ hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau đây đến cơ quan Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu – Cục Bảo vệ thực vật: (1) Đơn xin cấp mã số vùng trồng; (2) Đối với doanh nghiệp, gửi đầy đủ thông tin cần thiết của người đại diện công ty (chứng minh thư (hộ chiếu), giấy đăng ký kinh doanh của công ty) với bản sao có công chứng; (3) Thông tin về người đại diện của vùng trồng xin cấp mã số (chứng minh thư (hộ chiếu), giấy chứng nhận qua lớp tập huấn về VietGAP) với bản sao có công chứng; (4) Giấy chứng nhận VietGAP cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có).
- Yêu cầu diện tích và điều kiện canh tác trong vùng trồng
– Diện tích vùng trồng có thể dao động từ 6 – 10 ha/mã; không được quá 12 ha/ mã để tiện cho việc quản lý;
– Vùng trồng trái cây xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương (GlobalGAP….) nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương.
– Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng.
– Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn quả.
– Không trồng xem các loại cây trồng cùng họ với cây trồng chính hoặc các cây ký chủ của các loài dịch hại là đối được KDTV của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA).
(Xem thêm: DỪA XIÊM NINH ĐA – KHÁNH HOÀ)
- Yêu cầu về sổ sách ghi chép
-Tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để đảm bảo việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…) phải được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.
– Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ trong vùng trồng phải có 1 quyển sổ ghi chép, người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu.
– Yêu cầu về sổ sách là rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại….).

- Yêu cầu về vệ sinh trên đồng ruộng
– Xung quanh và bên trong vùng trồng phải sạch cỏ dại, đặc biệt là bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác khác.
– Phải có 1 khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng.
(Xem thêm: GIẢM TỔN THẤT SAU KHI THU HOẠCH XOÀI)
- Yêu cầu về thành phần dịch hại trong vùng sản xuất
– Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành điều tra, thu mẫu và giám định thành phần dịch hại đang có trên vùng trồng trái cây xuất khẩu.
– Vùng trồng trái cây chỉ được cấp mã khi không có loài dịch hại nào là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) hoặc tổ chức/cá nhân xin cấp mã phải có biện pháp kiểm soát và phòng trừ đảm bảo loài dịch hại đó không xuất hiện trên đồng ruộng. Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ để giám sát vấn đề dịch hại.
- Yêu cầu về sử dụng thuốc BVTV trong vùng trồng xuất khẩu
– Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) đảm bảo không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng.
– Bộ thuốc sử dụng này phải được sự xác nhận của Chi cục Trồng trọt & BVTV địa phương.

NÔNG NGHIỆP SẠCH CỦA KHÁNH HÒA
CÂY XOÀI TỨ QUÝ Ở CAM LÂM KHÁNH HÒA
CÂY SẦU RIÊNG VÀ NGHỀ TRỒNG SẦU RIÊNG Ở KHÁNH SƠN – KHÁNH HÒA!
Bạn phải đăng nhập để bình luận.