RONG BIỂN Ở ĐẦM THỦY TRIỀU


Đầm Thủy Triều

“Yến sào hòn Nội- Vịt lội Ninh Hòa- Tôm hùm Bình Ba- Nai khô Diên Khánh- Cá tràu Võ Cạnh- Sò huyết Thủy Triều”

Đầm Thủy Triều được nhắc đến ở trên là đầm nước mặn rộng lớn hơn 14 nghìn mét vuông nằm chủ yếu trong địa phận huyện Cam Lâm thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đầm Thủy Triều kéo dài dọc theo bờ biển Bãi Dài từ chân núi Cù Hin đến qua cầu Long Hồ. Tại đây có nhiều loại thủy hải sản phong phú như tôm sú, cá dìa, cá mú, hải sâm… Nổi tiếng có loài sò huyết. Tuy nhiên, ngoài hải sản phong phú, tại đây còn có một đặc sản khác chính là rong biển. Nhờ có điều kiện thuận lợi về địa hình kín gió của khu đầm khiến đây trở thành nơi sinh sôi của nhiều loại rong biển. Trong đó, phổ biến có 2 loại rong có tiếng hàng năm vẫn tạo công ăn việc làm và thu nhập khá cho người dân sinh sống quanh đầm.

Rong biển sinh sôi trong đầm Thủy Triều

Rong biển là loài thực vật phải nói là lâu đời nhất quả đất. Chúng đã sinh ra trước cả những cây cổ thụ già nhất, trước tất cả các loại động vật hoang dã và cả con người. Rong biển bản chất là tảo sống dưới biển, nên rất sạch, không lẫn tạp chất và ô nhiễm. Bản thân rong cũng chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu như I-ốt tự nhiên (không phải I-ốt tổng hợp được thêm vào muối), protein và các vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Mâm cơm của người Hàn Quốc với rất nhiều loại rong biển

Rong biển đã được con người sử dụng lâu đời, đặc biệt trong ẩm thực các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Nhật Bản, có món canh rong biển tạo nên mùi vị thứ 5 gọi là “vị ngon” – umi. Canh rong biển là món không thể thiếu trong mâm cơm của họ. Nhiều nghiên cứu về tuổi thọ cao của Nhật cũng có nhắc đến yếu tố là thói quen ăn rong biển. Nhờ thành phần ít chất béo và giàu chất sơ cũng như các khoáng chất giúp rong biển được sử dụng như một thực phẩm tốt cho sức khỏe. Việt Nam có điều kiện thuận lợi về nhiệt độ, đường biển dài nhiều đầm phá kín gió phù hợp cho rong biển phát triển. Nghề trồng rong biển tại Việt Nam cũng phát triển dần từ trồng để xuất khẩu bắt đầu tiêu thụ rong biển nội địa trở nên phổ biến hơn. Các sản phẩm rong biển dễ bắt gặp như bột rau câu làm thạch rau câu (bột agar), gói rong biển sấy lạnh nấu canh, …

Tại Khánh Hòa có nhiều loại rong dễ bắt gặp có rong nho, rong sụn, rong câu chỉ vàng… Các loại rong sử dụng như một loại rau xanh bổ dưỡng hoặc chế biến làm bột. Ở Cam Lâm rong biển Đầm Thủy Triều có 2 loại chính là rong câu chỉ vàng và rong nho tự nhiên. Tuy màu sắc khác nhau nhưng cả hai đều là thuộc họ rong tảo biển.

Hai loại rong trên ưa vùng biến kín gió nước nông ấm có ánh sáng chiếu trực tiếp. Mùa dễ thấy của rong kéo dài từ cuối năm đến giữa năm sau. Mùa phát triển mạnh của 2 loại rong này thường vào mùa hè tầm tháng 3 đến tháng 6 tháng 7 hàng năm. Rong biển mọc ngay trên bề mặt đáy nhiều bùn cát. Đến mùa rong rộ người ra có thể đi bộ để vớt rong đem bán.

Rong câu chỉ vàng

Thu hoạch rong câu chỉ vàng

Rong câu chỉ vàng được thu hoạch thủ công bằng tay ở các khu vực ven bờ đầm trong các đìa nuôi bỏ không.

Vào mùa rong rộ, bà con chèo thuyền hoặc lội nước ra ven bờ đầm trong các đìa tôm bỏ hoang để vớt rong. Rong câu chỉ vàng thường mọc cách mặt nước từ 1 đến 1,5m nên có thể vớt bằng tay. Rong vớt vào sáng sớm cho mát trời.

Rong câu thu hoạch được rửa lại nước biển cho sạch bùn cát rồi phải đem phơi nắng thật khô đễ bảo quản được lâu hơn. Thời điểm này đi trên đường khu vực xã Cam Hòa, Cam Hải Tây hay bắt gặp cảnh bà con phơi rong trên mặt đường hoặc trong sân nhà. Mùi tanh mặn xộc lên giữa trời nắng chắc là mùi vị đặc trưng của mùa vớt rong câu.

Sau khi đã khô sẽ được thương lái thu mua vận chuyển ra phía bắc tiêu thụ chủ yếu là Hải Phòng làm nguyên liệu sản xuất bột rau câu. (Hải Phòng vốn là nôi của nghề sản xuất bột rong câu của cả nước).

Giá rong câu chỉ vàng được thu mua giao động từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg. Giá bán lẻ rong câu sau khi làm sạch vào khoảng 120 đến 150 nghìn/kg. Theo kinh nghiệm thì phơi 5-7 kg rong tươi ra được 1 kg rong khô.

Rong câu sau khi thu hoạch về sẽ trải qua một quy trình sản xuất bao gồm các bước: nấu sôi, lọc, loại bỏ nước, sấy khô, sau đó sẽ được nghiền thành bột hoặc một phần nhỏ đóng gói để tiêu thụ dạng sợi.

Người ta mua rong câu chỉ vàng sợi về để chế biến món ăn như gỏi hoặc đặc biệt hơn là làm món xu xoa huyền thoại. Món ăn tuổi thơ của nhiều người. Chén xu xoa ăn kèm với chén nước đường gừng hoặc thêm chút nước cốt dừa béo ngậy chắc hắn quen thuộc với nhiều người con miền Trung và những người từng đến với miền Trung.

Nguyên liệu chuẩn bị cho món “Xu xoa huyền thoại”

Xu xoa rong biển

– Rong biển: 100g

– Nước lọc: 2 lít

Bước 1: Ngâm rong biển vào nước, rửa sạch loại bỏ tạp lẫn kết hợp vò đến khi thấy nước trong là được. Ngâm trong khoảng 4 – 8 tiếng.

Bước 2: Sau khi ngâm từ 4-8 tiếng vớt ra rửa lại vài nước là được.

Cho 2 lít nước vào phần rong biển (canh sấp sấp tỉ lệ giữa rong và nước là ok) , bắc lên bếp đun ở lửa vừa tầm gần 30 phút nồi rong bắt đầu sôi tiến hành vắt thêm tầm phân nửa quả chanh kết hợp đảo đều tay đến khi nào thấy rong mềm vụn sợi vừa là được.

Bước 3: Tiến hành lóc: Đổ nước qua rây để lọc bỏ cặn(tiến hành đổ từ từ vào rây lọc tránh vơi cặn khi lọc) , từ từ xu xoa sẽ đông lại thành món ăn mềm mềm cực lạ miệng. Nên dùng rây nhôm lọc cháo cho trẻ để lọc dễ dàng hơn.

Bước 4: Nấu nước đường và nước cốt dừa.

Đường cho vào nước vừa đủ đặc sệt, đun lên đến khi sôi ngả vàng nâu thơm caramen kết hợp cho vài lát gừng vào để tạo thành hương vị đậm đà nhé.khi đường gừng đã ngả vàng nâu thơm thì tiến hành bổ sung thêm nước đủ vừa khẩu vị.

Món xu xoa đơn giản dễ làm mà giải nhiệt mùa hè thì khỏi chê.

Rong câu chỉ vàng đóng gói 150gram – 50.000 đ
Rong câu tự nhiên dạt trên bờ cát Đầm Thủ Triều

Rong nho tự nhiên

Nếu như rong câu chỉ dạng sợi màu vàng nâu đỏ thì rong nho có màu xanh tự nhiên và hình dạng như những chùm nho mọng nước trôi nổi theo từng con sóng.

Rong nho tự nhiên trong đầm Thủy Triều khá nhiều và cũng có mùa rộ trùng với mùa hè nắng nhiều ở Khánh Hòa. Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, rong nho phát triển nhanh và cho kích thước rong to đều hơn những tháng mùa mưa. Rong nho nhạy cảm với độ mặn. Nếu mưa nhiều khiến độ mặn giảm xuống thấp hơn 30 phần nghìn, rong sẽ chậm phát triển và thâm chí là bị chết. Rong nho tự nhiên trên đầm được thu hái bằng tay bán tươi cho các vựa hải sản hoặc thương lái.

Ở Cam Lâm hiện vẫn chưa có cơ sở sơ chế bảo quản rong nho bài bản. Rong nho tươi có thể giữ được từ 5 đến 7 ngày trong điều kiện sục khí liên tục. Thân trái mọng nước nên rong nho dễ hỏng muốn bảo quản phải được quay li tâm tách nước và rồi ướp muối cô đặc gọi là rong nho tách nước. Rong nho tách nước có thể giữ được từ 4 đến 6 tháng thuân lợi để xuất khẩu đi các nước xa như Nhật, Hàn và Mỹ. (Xem thêm: RONG NHO KHÁNH HOÀ)

Phương pháp ướp muối gồm các bước sau:

1) Sơ chế: rong nho sau khi thu hoạch (độ tuổi thu hoạch là 35-40 ngày) khi đạt chiều dài thương phẩm 5cm cho phần thân đứng sẽ được rửa sạch rồi nuôi dưỡng lại để hồi phục trong nước biển ở nhiệt độ 28±2oC trong 3 -4 ngày;

2) Rửa: rong nho sau sơ chế được rửa bằng nước sạch. Sau khi rửa, rong nho được làm ráo trong khoảng thời gian 10 phút;

3) Ly tâm tách nước: quá trình ly tâm được thực hiện bằng máy với tốc độ quay tối đa 500 vòng/phút hoặc thiết bị quay tay trong khoảng 3 phút.

4) Ngâm muối: rong nho được ngâm trong dung dịch muối 30% trong thời gian 2 giờ với tỷ lệ rong nho tách nước/dung dịch muối là 1/3;

5) Bảo quản: rong nho sau khi ngâm muối được bao gói và bảo quản trong tủ lạnh ở 4 độ C.

Rong nho thường được ăn kèm cùng sốt mè rang Kewpie hoặc chấm chung chén nước tương mù tạt. Ngoài ra còn có thể trộn salad với các nguyên liệu khác. Xem thêm một số cách chế biến rong nho gợi ý: CÁCH ĂN RONG NHO VÀ MỘT SỐ MÓN ĂN GỢI Ý

Đầm Thủy Triều rộng lớn ôm lấy bao con người dân địa phương qua thời gian. Những món quà tự nhiên như rong biển này góp phần phong phú sản vật biển và còn góp phần cải thiện cuộc sống người dân ven đầm mỗi mùa rong rộ.

Hoàng hôn về trên góc đầm Thủy Triều Huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa

Những bài viết liên quan khác:

Advertisement