Sầu riêng là loại cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Đây là một loại quả rất đặc biệt: với nhiều người thì đây là loại quả rất thơm ngon nhưng có những người lại không thể chịu nổi mùi thơm của nó.
Diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 5.000 ha. Trồng tập trung nhất là ở ĐBSCL. Miền Đông Nam bộ và Tây nguyên có diện tích trồng đang gia tăng nhanh chóng.
Sầu riêng Khánh Sơn cho quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép, thịt ráo, múi sầu riêng to, đều, căng mọng và vàng ươm.… Tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30-40%/quả, mắt gai to, vàng hơn, trọng lượng trung bình 4,5 kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt tới trọng lượng 7-8kg. Vị sầu riêng ngọt thanh, tạo cho người ăn một cảm giác khó quên. Chính vì vậy người tiêu dùng đánh giá Sầu riêng ở đây ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng khác trên cả nước.
Bài trước Chạm đã giới thiệu với mọi người về cây trồng chủ lực của một huyện ven biển, như đã hứa lần này tôi muốn nói đến một giống cây trồng khác của một huyện miền núi phía tây Khánh Hòa. Khác với cây xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn đã trở thành thương hiệu quốc gia được bảo hộ và rất nổi tiếng. Ngoài Sầu riêng, huyện miền núi này còn có rất nhiều loại cây ăn trái khác như chôm chôm hay măng cụt, mít cũng là những điểm mà không một khách du lịch nào lại bỏ qua khi có dịp đặt chân đến đây. Hy vọng qua bài viết này, sẽ là một chú ý dành cho những ai đã, đang sẽ đến Khánh Hòa để không bị bỏ qua một đặc sản nổi tiếng của Việt Nam này.

Khánh Sơn là huyện miền núi vùng cao ngăn cách với đồng bằng của tỉnh bởi con đèo Khánh Sơn cao vời vợi. Huyện nằm phía Tây Nam của Khánh Hòa, phía Bắc giáp huyện Khánh Vĩnh, Đông Bắc giáp Diên Khánh, Đông giáp thành phố Cam Ranh, Nam và Tây giáp tỉnh Ninh Thuận. Dân cư sống chủ yếu bằng nông lâm nghiệp. Từ thành phố Cam Ranh, đi về phía tây theo tỉnh lộ 9 khoảng 25km sẽ đến thị trấn Tô Hạp – trung tâm hành chính của Huyện. Nhìn chung, Khánh Sơn có nét pha trộn giữa văn hóa miền núi cao nguyên của Tây Nguyên và miền đồng bằng ven biển của Việt Nam. Khí hậu mát mẻ của vùng cao hơn 1,000 mét so với mực nước biển khiến Khánh Sơn cũng được ví như “Đà Lạt thứ 2”.
Nếu như phía đông tỉnh Khánh Hoà nổi tiếng bởi vùng biển rộng lớn, với bờ biển dài hơn 200km, hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, biển Vạn Giã, thành phố du lịch Nha Trang, Bãi Dài và đầm Thuỷ Triều Cam Lâm hay vịnh Cam Ranh có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và quốc phòng… thì người ta thường không để ý đến phía Tây tỉnh Khánh Hoà lại nổi bật bởi những con thác hùng vỹ, xinh đẹp tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, những đặc sản nông nghiệp như sầu riêng, xoài, mít…và hơn hết đó là sắc màu văn hoá truyền thống độc đáo của các dân tộc anh em.
Nhắc đến Sầu riêng chắc không ai là không biết đến thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa). Một trong những địa điểm có sầu riêng nổi tiếng thơm ngon. Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Khánh Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp độc quyền trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam Nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Khánh Sơn” số 156623, cấp theo Quyết định số 175/QĐ-SHTT ngày 06/01/2011.
Bén duyên với sầu riêng:
Đất không nghèo, nhưng suốt cả một thời gian dài, người dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) hằng đau đáu trước câu hỏi lấy cây trồng nào làm chủ lực? Nếu cứ dàn trải rồi cũng không mạnh về gì cả sẽ không thể phát triển về lâu dài. Nếu nhìn thành phố Nha Trang hay các huyện ven biển lấy thế mạnh về biển để phát triển du lịch làm nòng cốt thì một huyện miền núi đi lại còn khó khăn thì cần có một mũi nhọn riêng nào đó khác biệt?

Trước đó, huyện Khánh Sơn đã từng mày mò với nhiều loại cây trồng. Một thời gian dài, những tưởng cây cà-phê, cây hồ tiêu đã là những “chiếc đũa thần” làm thay đổi đời sống đồng bào ở đây. Nhưng trớ trêu thay, các loại cây trồng này đều không “trụ” được, nhiều hộ nông dân lâm cảnh nợ nần. Rồi cây sầu riêng có xuất hiện, mở ra một hướng đi mới cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương. Song, việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn hiện vẫn rất gian truân. Những thương hiệu sẽ là một câu chuyện dài mà tôi chưa muốn nói kỹ ngay trong bài viết này nên chúng ta cứ tạm thời để đó.
Sầu riêng là loại cây có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Mặc dù với nhiều người, đây là loại quả rất thơm ngon nhưng có những người lại không thể chịu nổi mùi thơm của nó. Ở Việt nam sầu riêng được trồng chủ yếu ở phía Nam. Sầu riêng cũng được trồng thử nghiệm ở Quãng Trị, Huế nơi có vĩ độ Bắc khá cao (16-17oB) và đã cho quả. Tuy nhiên, nhìn chung cây có sinh trưởng và năng suất không bằng so với Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL). Diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 5.000 ha. Trồng tập trung nhất là ở ĐBSCL. Miền Đông Nam bộ và Tây nguyên có diện tích trồng đang gia tăng nhanh chóng.
Một quả sầu riêng trung bình nặng gần 602 gram và là một nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời. 100 gram sầu riêng cung cấp khoảng 147Kcal năng lượng, chiếm khoảng 7% lượng năng lượng cho các hoạt động của cơ thể mỗi ngày.
Loại trái cây này còn không chứa cholesterol, hơn nữa lại là một nguồn tuyệt vời của chất xơ và protein nên nó rất có lợi cho những người không muốn bị tăng cân.
100 gram trái cây này chứa khoảng 21% nhu cầu carbohydrate hàng ngày của cơ thể.
Vitamin C được tìm thấy rất nhiều trong sầu riêng. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể giúp giảm quá trình oxy hóa. Ăn sầu riêng còn giúp làm giảm chứng trầm cảm ổn định tâm lý nhờ giàu vitamin B6 mà vitamin B6 lại rất cần thiết cho việc sản xuất serotonin thứ giúp giảm trầm cảm.

Ở nhiều nước trên thế giới còn tận dụng các bộ phận khác của cây sầu riêng để chữa các bệnh thông dụng như:
Ở Malaysia, dịch sắc, dịch ép từ lá, rễ sầu riêng có tác dụng hạ sốt, giảm sưng, chữa bệnh ngoài da. Ngâm tắm với nước nấu từ lá sầu riêng để hỗ trợ điều trị bệnh ngoài da. Có thể tác dụng này là do sự hiện diện của hydroxy-tryptamin và chất dầu cay như mù tạt có trong lá. Tro đốt từ vỏ trái được dùng làn thuốc cho phụ nữ sau sinh con với mục đích trục huyết ứ, điều kinh.Người Java thì cho rằng sầu riêng có khả năng kích thích tình dục. Cho nên nhiều người ăn loại quả này với mong muốn đời sống tình dục của mình tốt hơn.Tài liệu y học cổ truyền của các nước Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc… cũng ghi nhận dược tính của sầu riêng trong việc điều trị giun sán do phần cơm của tráu sầu riêng có chứa các hợp chất indol có tác dụng kìm khuẩn.Ở Việt Nam, theo DS Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên khoa Y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM, sầu riêng là thực phẩm khôi phục sức khoẻ cho người ốm yếu, suy nhược.
Tuy nhiên lời khuyên là không nên loại trái cây này sau khi đã uống rượu hoặc cà phê!!!.
Trở lại với câu chuyện tìm lối đi cho kinh tế địa phương, Huyện Khánh Sơn quyết định tìm hiểu kỹ lưỡng về các yếu tố khí hậu, chất đất địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, cuối năm 1999, huyện mạnh dạn liên hệ với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam mua hơn một nghìn cây sầu riêng giống chất lượng cao, đặc biệt là giống sầu riêng Moong Thoong (Thái Lan) mang về trồng thử; đồng thời quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng nhằm mục đích đưa cây sầu riêng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện.

May mắn thay, trời không phụ lòng người dân nơi này, hợp với chất đất, sầu riêng Moong Thoong ở Khánh Sơn cho trái rất lớn, trọng lượng trung bình 4,5 kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt tới 7, 8 kg. Cây sầu riêng trồng 4 năm đã có thể cho trái ổn định. Không chỉ trái sai, trái lớn mà sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng khác trên cả nước, với đặc điểm thịt ráo, cơm vàng, hạt lép.
Một điểm đặc biệt nữa là cây sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn những nơi khác từ bốn đến năm tháng nhờ đặc thù Khánh Sơn có độ cao hơn 400m so với mực nước biển nên vụ thu hoạch quả trễ hơn các tỉnh Nam bộ. Khi sầu riêng Nam bộ hết mùa thu hoạch cũng là lúc sầu riêng Khánh Sơn xuất hiện trên thị trường. Mùa sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu vào tầm tháng 6 hàng năm và kết thúc vào trung tầm tháng 8. Điều này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường.

Sầu riêng Khánh Sơn khi chín sẽ rụng. Mùi vị thơm ngon nhất theo như những người có nhiều kinh nghiệm phải là những trái rụng này.
Cách chọn sầu riêng Nếu có cơ hội đến Khánh Sơn mùa sầu riêng chín thì các bạn nên tham khảo kinh nghiệm mua sầu riêng là chọn quả phải phân múi đều (các đường khứa dài, to gần như nhau), không chọn quả vẹo mà chọn quả có eo bánh mỳ, to đều các chỗ. Chọn mua quả đã hơi nứt nhẹ, có mùi thơm đậm. Chú ý về gai sầu riêng: nở to đều, ít nhọn, cứng chắc. Bóp hai gai gần nhau lại với nhau, nếu quả nào già thì gai cứng, quả non, gai sẽ mềm. Bạn cũng nên để ý đến phần cuống sầu riêng, cuống phải còn tươi, xanh cứng, không nên chọn quả cuống bị héo hay đã bị mất cuống.
Ngoài ra, chúng ta có thể xem cách tách vỏ của người bán hàng: sầu riêng già và chín thì 5 khe trên quả tự tách, người bán hàng tách khía rất nhẹ nhàng, đơn giản. Nếu người bán hàng phải “ra sức” tách là quả còn non.
Hiện nay, sầu riêng Khánh Sơn hiện là 1 trong top 50 đặc sản trái cây của Khánh Hoà nổi tiếng Việt Nam được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập và công bố từ tháng 8.2012 căn cứ theo bộ tiêu chí giá trị đặc sản Việt Nam. Giống sầu riêng phổ biến nhất ở Khánh Sơn ngoài Moonthong của Thái còn có Chín Hóa. Giá thành cây giống này cũng đắt gấp đôi những giống sầu riêng địa phương khác tầm 40.000 đồng/ cây. Sầu riêng Cơm vàng hạt lép (Monthong, Ri6) có thể cho trái vào năm thứ ba sau khi trồng, năng suất bình quân 35- 40 tấn trái/ha vào năm thứ 6. Hiện nay huyện Khánh Sơn có hơn 5.280 hộ trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 500ha. Mỗi năm, các hộ dân thu hoạch từ 1.000 – 1.500 tấn sầu riêng. Mỗi quả sầu riêng chín rụng có giá bán lẻ khoảng 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg. Bán qua trung gian thương lái thì giá 17.500 đồng/1 kg sầu riêng hạt lép và 12.500 đồng/1 kg sầu riêng hạt lỡ. Tuy nhiên vì mùa trái chín rộ cũng trùng vào mùa mưa nên nếu không chú ý chăm sóc, trái sầu riêng Monthong rất dễ bị sơ.

Đến năm 2018, Khánh Sơn phát triển được 754 ha sầu riêng. Năm nay, năng suất sầu riêng đạt cao, trung bình 60 – 70 tạ/ha; dự kiến sản lượng sầu riêng toàn huyện đạt hơn 3.000 tấn. 1ha sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh, người dân chỉ mất chi phí đầu tư từ 25 – 30 triệu đồng. Với thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng/ha thì sầu riêng đang cho siêu lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhờ chất lượng, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được khẳng định với người tiêu dùng; sầu riêng Khánh Sơn cho quả muộn (khi sầu riêng các tỉnh phía nam đã thu hoạch xong) nên giá cao hơn mọi năm.

Để tạo lợi thế cho phát triển lâu dài, Huyện Khánh Sơn đệ đơn bảo hộ xác lập thương huyện cho trái sầu riêng từ năm 2007. Đến mãi năm 2012, Nhà Nước tuyên bố bảo hộ thương hiệu Sầu riêng Khánh Sơn. Thời gian có hiệu lực là 10 năm. Đã 4-5 năm trôi qua kể từ khi trái sầu riêng Khánh Sơn – Khánh Hòa được cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền. Cho đến thời điểm này, sầu riêng Khánh Sơn vẫn là loại nông sản duy nhất của Khánh Hòa được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền.
Niềm vui chưa thể vẹn tròn
Vui mừng vì tìm được lối đi cho nông nghiệp địa phương và tên tuổi Sầu riêng Khánh Sơn đã được người tiêu dùng tin tưởng và yêu thích. Các thương lái đã đổ dồn đến mua sầu riêng Khánh Sơn để tiêu thụ với giá cả tương đối cao, không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn mở ra cơ hội làm giàu cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc Raglai.
Tuy nhiên thì đến nay, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn vẫn chưa thực sự mang lại lợi ích cho người nông dân. Bởi vậy, nông dân lại không mấy mặn mà với việc bảo vệ, nâng cao uy tín thương hiệu sầu riêng, trong khi các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp hiệu quả để gìn giữ thương hiệu đã khó khăn lắm mới gầy dựng được này. Bà Đoàn Thị Thọ – Giám đốc Trung tâm thương mại Maximark Khánh Hoà – cho hay: Sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng và tiêu thụ rất nhanh trên thị trường. Tuy nhiên, chất lượng trái sầu riêng Khánh Sơn bị đánh cắp từng ngày, do chưa được dán nhãn mác hàng hóa. Hiện nhiều người tiêu dùng ở các tỉnh Nam Trung Bộ – đặc biệt là ở TP.Nha Trang (Khánh Hoà) đã bị lừa, khi các thương lái, tư nhân mua sầu riêng ở các nơi khác rồi giả mạo ghi là “sầu riêng Khánh Sơn” để bán tràn lan trên thị trường. Điều đáng buồn là, sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch từ tháng 7 đến đầu tháng 9 hằng năm, nhưng mới tháng 3-4, tư thương đã lợi dụng bày bán sầu riêng chất lượng không rõ nguồn gốc nhưng được giới thiệu là sầu riêng Khánh Sơn, với giá rất cao! Nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời thì sầu riêng Khánh Sơn sẽ mất thương hiệu trong nay mai.
Lời mách nhỏ: Đến với Khánh Hòa, nếu đã nhiều lần tắm mình trong nắng biển và những món đồ biển, hãy thử trải nghiệm mới với một nơi mát mẻ với những món ăn miền núi như gà, heo nướng đồng bào, uống rượu cần và nhấm nháp những miếng sầu riêng hạt lép bên những tiếng cồng chiêng của người Ra-lai nơi đây.
Cách bảo quản sầu riêng ngon:
- Bảo quản ở nhiệt độ thấp, trong ngăn lạnh dưới 15 độ C để tránh tình trạng sầu riêng bị nứt vỏ, thối vỏ.
- Đối với sầu riêng nguyên quả thì bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Đối với sầu riêng đã tách múi sẵn thì cho vào hộp kín, để vào ngăn mát trong khoảng 2 – 3 ngày.
- Đối với sầu riêng đã chín kỹ thì nên để nhiệt độ bên ngoài và sử dụng ngay.
Mọi người quan tâm đến trái sầu riêng Khánh Sơn có thể liên hệ:
Nam Sđt: 0944 544 345 (Zalo)
Chạm: https://www.facebook.com/chamkhanhhoa/
ĐẶC SẢN KHÁNH HOÀ: BÁNH TRÁNG XOÀI
NÔNG NGHIỆP SẠCH CỦA KHÁNH HÒA
Đầm Thủy Triều và Những con sò huyết!
CÂY XOÀI VÀ NGHỀ TRỒNG XOÀI Ở CAM LÂM – KHÁNH HÒA
Bạn phải đăng nhập để bình luận.