“Ở nơi ấy, họ đang sống cuộc sống yên bình/Ai nghèo cũng có cây đàn chapi/Khi rung lên vài sợi dây, đàn đã đong đầy hồn người Raglai”… Đây là những ca từ của nhạc sĩ Trần Tiến viết trong ca khúc Tiếng Đàn Chapi nổi tiếng của mình. Đàn Chapi là một trong số những nhạc cụ quan trọng của người Rắc-lây.
Trong các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, dân tộc thiểu số Raglai (Rắc-lây) là dân tộc có số người đông nhất. Địa bàn cư trú của dân tộc Rắc-lây chủ yếu tập trung ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Ở Một số xã thuộc Cam Ranh và Cam Lâm (Cam Hiệp Bắc; Cam Hiệp Nam) cũng có một số hộ người dân tộc Raglai (Rắc – Lây).
Hiện nay có 32 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó dân tộc Kinh chiếm 95,3%, dân tộc Rắc-lây chiếm 3,4%, dân tộc Hoa chiếm 0,86%, dân tộc Cơ-ho chiếm 0.34%, dân tộc Ê-đê chiếm 0,25%… Ngoài ra, còn có các dân tộc Tày, Nùng, Mường, Chăm, T’ring… cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Thông tin trên sẽ khiến khá nhiều người bất ngờ vì không nghĩ là số lượng người Rắc- Lây ở Khánh Hoà lại sếp thứ 2 mà không phải là người Chăm – Vốn được biết đến nhiều hơn về những di tích như Am Chúa ở Diên Khánh hay Tháp Bà Pô Nagar ở Nha Trang. Tìm hiểu về những dân tộc anh em trên địa bàn Khánh Hoà cũng là tìm hiểm về đặc trưng văn hoá của địa phương. Sở dĩ như vậy vì người Rắc-Lây là người dân địa phương hơn cả người Kinh họ có những nét khác biệt vốn có vẫn duy trì đến hôm này về cả phong tục tập quán, quan niệm, ẩm thực … Tất cả đều mang thêm sự phong phú cho Khánh Hoà về nhiều mặt. Đàn đá, sử thi, đàn Chapi, Mã la, lễ bỏ mả… là những nét văn hóa vật thể và phi vật thể đang dần mai một trong đời sống của đồng bào Rắc-lây
Mã la (mả la hay ma la) là tên của người khác đặt cho một loại nhạc cụ gõ bằng đồng của người Raglai. Có thể vì loại nhạc cụ này thường được sử dụng nhiều trong lễ bỏ mả (bỏ ma) nên được gọi là ma la, sau này gọi khác đi thành mã la. Còn người Raglai gọi mã la là char, là một loại nhạc cụ cồng chiêng không có núm, các dân tộc ở cao nguyên gọi là chiêng bằng.
Đàn Đá Nhà Sàn
Dân tộc Raglai thuộc nhóm ngữ hệ Malayo – Polynêdi (nhóm này ở Việt Nam gồm Chăm, Raglai, Chu Ru, Êđê, Giarai). Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Raglai ở Việt Nam có số dân là 122.245 người, trong đó, Ninh Thuận có 58.911 người (chiếm 48,2%), Khánh Hòa 45.915 người (chiếm 37,6%), Bình Thuận 15.440 người và Lâm Đồng 1.517 người. Về ngọn nguồn các tộc người của nhóm này, dù các nhà khoa học còn nhiều tranh luận nhưng đều thống nhất rằng họ vốn là những cư dân hải đảo (gốc Đông Nam Á hoặc di cư từ các đảo vùng biển Nam Trung Quốc xuống Đông Nam Á), có quan hệ nguồn gốc với người Chăm, cùng ngôn ngữ với một số tộc người hiện sinh sống rải rác trên một vài hải đảo và ven biển cực Nam Trung bộ, tập trung đông nhất nơi miền núi Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Người Rắc-lây là một trong các tộc người gốc Nam Đảo ở Việt Nam, cơ tầng văn hóa của họ chi phối bởi văn hóa Đông Nam Á, do đó tín ngưỡng bản địa của người Raglai là tín ngưỡng đa thần hay còn gọi là tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, nghĩa là muôn loài, mọi vật quanh họ đều có linh hồn, có thần linh cai quản. Thời kỳ giao lưu văn hóa với người Chăm. Người Chăm phát triển thành một vương quốc hùng mạnh, người Rắc-lây chuyển dần lên sống trên tại các vùng núi ở Tây Nguyên tuy một số vẫn sống ở các vùng ven biển cùng với người Chăm. Đầu thế kỷ 19, ở Cam Ranh “Dân cư người Kinh chỉ có một vài thôn (xã) ở Hòa Tân, Thủy Triều. Ở vùng Ba Ngòi – Đá Bạc trở vào, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai (Rắc-Lây), vốn là dân bản địa lâu đời, sinh sống chủ yếu dựa vào nương rẫy và thu lượm hải sản, lâm sản.
Điều tra thực địa cho thấy, do cư trú tại một thung lũng sâu có núi cao bao bọc xung quanh, cộng đồng Raglai ở Tô Hạp (huyện Khánh Sơn – Khánh Hòa kéo dài đến giáp các xã thuộc vùng Tây Bắc Ninh Thuận) còn giữ được nhiều yếu tố cổ trong ngôn ngữ và giá trị văn hóa dân gian dân tộc cổ truyền hơn tại các vùng khác.
Đàn đá được phát hiện một cách tình cờ khi đồng bào tìm thấy những phiến đá phát ra tiếng kêu. Ban đầu người Raglai dùng đá kêu để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng. Sau này người Raglai chế tác thành bộ đàn đá phục vụ trong các sinh hoạt lễ hội văn hóa cộng đồng. Theo các nhà nghiên cứu cây đàn đá Khánh Sơn được phát hiện tại đây có tuổi từ 3000 -5000 năm, cùng thời với cây đàn đá đầu tiên do người Pháp phát hiện vào năm 1949 ở Tây Nguyên. Năm 1979 tại Gốc Gạo, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà, các nhà nghiên cứu tìm thấy bộ đàn đá đầu tiên gồm 12 thanh do ông Bo Bo Ren, người dân tộc Raglai phát hiện và gìn giữ. Chất liệu là loại đá kêu ở địa phương. Các nhà nghiên cứu đã thẩm định đây là bộ đàn đá có lịch sử từ 3000-5000 năm”.
GIA ĐÌNH CỦA NGƯỜI RẮC-LÂY
Giống với người Chăm, người Rắc-lây vẫn duy trì chế độ mẫu hệ. Con gái cưới chồng về nhà với quan niệm chặt cây rừng về làm cột nhà, bắt người ta về làm người mình và chàng rể, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình nhà vợ, gánh vác mọi công việc làm ăn nhưng quyền quyết định những việc lớn, quan trọng vẫn là người vợ hay người cậu bên vợ. Con cái theo họ mẹ và luôn giữ mối quan hệ huyết thống họ mẹ suốt bảy đời. Quyền thừa kế của cải truyền đời của ông bà để lại thuộc về con gái và thường là con gái út gánh vác trọng trách quản lý gia đình khi cha mẹ qua đời; nếu con gái út còn quá nhỏ thì người cậu hay người chị gái giúp đỡ trông nom quản lý, tuyệt đối không được lợi dụng hay chiếm đoạt.
NHÀ CỬA CỦA NGƯỜI RẮC-LÂY
Nhà ở của người Raglai thường xây dựng trên sườn đồi về một bên của dòng suối và có tập quán xây dựng cách xa nhau. Nhà ở cổ truyền của người Raglai là những nhà sàn hay gọi là nhà Dài gần giống như nhà sàn của một số dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trước đây người Raglai sống trong những ngôi nhà sàn dài sàc inã (nhà mẹ tổ mẫu), trong đó là những hộ gia đình thân thuộc với nhau về phía mẹ, nhà chia thành nhiều buồng cho những gia đình nhỏ trong gia đình lớn, mỗi hộ gia đình lại có các bếp riêng.
Nhà truyền thống của người Raglai có sàn cao mặt đất lên từ 1,5 đến 2 mét (tuỳ theo địa hình cụ thể nơi dựng nhà). Chiều dài của nhà trên dưới 20 mét, chiều ngang 4,5 đến 5 mét. Nhà truyền thống của người Raglai không làm cầu thang chính ở một đầu hồi như của người Giarai, cầu thang có thể là các bậc bằng cây, gỗ như cái thang chúng ta thường thấy hoặc là khúc gỗ lớn được đẽotạo ra các bậc , các bậc luôn luôn là số lẻ (5, 7 hoặc 9). Cầu thang của người Raglai không ở một bên hồi nhà như một số dân tộc Tây Nguyên khác, cầu thang của họ lên ngay cửa chính của căn nhà, ngoài ra còn có một, hoặc hai cầu thang phụ hai bên đầu hồi, cầu thang này nhỏ hơn chiều ngang nhưng bậc thang cũng phải là số lẻ.


KINH TẾ – ẨM THỰC CỦA NGƯỜI RẮC-LÂY
Nguồn lương thực và thực phẩm chính của người Raglai dựa hoàn toàn vào sản xuất nương rẫy và một ít ruộng nước, bắp, lúa là lương thực chính, sau đó bo bo, cao lương, các loại khoai, đậu đỗ cùng nhiều loại rau quả khác. Điều đáng nói là người Rắc-lây không du canh du cư mà chỉ luân canh trên những đám rẫy của mình đã có, gồm rẫy mới phát (rẫy hổi, rẫy vừa bỏ vài ba năm) và rẫy cũ đã bỏ 8 – 9 năm đã thành rừng. Khi canh tác trên rẫy mới vài ba năm, đất đã bạc màu, chủ rẫy bỏ cho đất nghỉ để quay lại rẫy cũ lúc này đã thành rừng sau hơn 9 – 10 năm đất nghỉ, phát dọn canh tác.

Để bảo quản được giống má từ xưa đến nay, người Raglai ở Khánh Hòa đã trao truyền lại cho các thế hệ những kiến thức trong quá trình thu hoạch và bảo quản các giống lúa, bắp, đậu, khoai… Đối phó với sâu, mối mọt làm hư hỏng giống má, người Rắc-lây đợi lúa thật chín, bắp thật khô mới thu hoạch, nơi cất giữ lúa giống là nhà kho được làm theo kết cấu nhà sàn cao từ năm đến bảy nấc thang. Lúa chất thành đụn, bắp được buộc thành chùm làm giống. Bắp nếp để nguyên vỏ rau, bắp tẻ cắt đầu râu chống mối mọt thâm nhập vào. Với những tri thức truyền thống của mình, người Rắc-lây quản lý được giống trong kho từ năm đến bảy năm mà không hư hại gì cả.
Ngoài rẫy nương, việc khai thác sản vật từ rừng núi, trong đó có các loài chim thú thông qua việc dọn ranh đặt bẫy và săn bắn cũng là nguồn cung cấp quan trọng. Mãi đến vài thập niên trở lại đây người Raglai vẫn còn duy trì phương thức canh tác nguyên thủy là phát rừng – đốt rẫy – chọc lỗ – trỉa giống, săn bắt và đào củ, hái rau quả trong rừng.
Người Rắc-lây có nhiều vật nuôi, thường là trâu, bò, heo, dê, gà, vịt để làm thực phẩm và lễ vật trong các nghi lễ hoặc của cải để trao đổi, bồi thường… con chó vừa để giữ nhà và giúp người đi săn. Ngoài ra còn có mèo, ngựa.
Đặc biệt trong việc làm rẫy, họ đã có sáng tạo độc đáo là tìm những phiến, những thanh đá kêu nằm rải rác trên sườn núi, dưới lòng suối, rồi kết hợp với vật liệu tre nứa, dây mây, dựng nên các giàn đá kêu (patâu tulẽng) để đuổi muông thú, bảo vệ nương rẫy, mùa màng. Chính đây là di sản Đàn Đá Khánh Sơn.
Ngoài ra, đan gùi, làm nỏ, chế tác đàn Chapi, kèn bầu… là những nghề thủ công truyền thống của đồng bào Raglai. Đến trải nghiệm Khánh Sơn hoặc Khánh Vĩnh bạn có thể tìm mua những món đồ thủ công này.
Chế tạo đàn Chapi Đàn Chapi Chơi đàn Chapi
Đàn Chapi: Công việc chế tạo đàn Chapi cũng đòi hỏi lắm kỳ công. Cây đàn chỉ dài bằng 1 đốt tre chừng 30 cm, có 12 dây chia làm 6 cặp. 1 đầu ống tre được khoét lỗ, đầu kia để rỗng. Người ta tách vỏ ống tre để làm dây, sau đó vót thật nhẵn miếng tre nhét vào giữa hai sợi dây song song để làm ngựa cho dây đàn, cứ thế sẽ tạo ra từ 5 đến 8 dây. Việc chọn nguyên liệu không hề đơn giản. Trước hết, phải chọn được cây tre mọc trên núi cao, khoảng 1 năm tuổi. Tre phải phơi nắng ít nhất 1 tháng nếu không nứt, khô cong mới có thể đem ra chế tác đàn. Khi đánh đàn Chapi, người đánh phải nâng đàn lên gần ngang ngực. Sau đó ghì sát đầu ống để rỗng vào người để giữ âm lại trong ruột đàn. Hai bàn tay vừa để giữ đàn, vừa để khảy các dây đàn theo nhịp điệu của những khúc nhạc dân gian. Tiếng đàn Chapi gần giống với âm thanh của chiêng Mã La, nên đồng bào Raglai rất thích loại nhạc cụ này, bởi dễ mang vác, dễ sử dụng.
TRANG PHỤC NGƯỜI RẮC-LÂY
Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là một trong những chỉ dấu quan trọng để nhận biết tộc người. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người.
Chưa tìm được trang phục gốc của người Raglai!
Người Rắc-lây khá thoải mái trong trang phục. Họ có thể mặc trang phục tùy thích của cả những dân tộc khác. Nhiều người lý giải điều này là vì người Rắc-lây không dệt vải và làm trang phục từ rất lâu nên bị thất truyền trang phục. Thế nên có lúc họ mặc đồ như người Kinh có khi lại mặc đồ của người Chăm…
Về trang phục thường thấy, đàn ông Raglai mặc áo bà ba hoặc quần âu áo sơ mi. Phụ nữ thì mặc váy hoặc quần áo sơ mi, áo bà ba, trong các dịp lễ hội, cúng tế cũng như ngày thường. Tương truyền ngày xưa đàn ông Rắc-lây cởi trần đóng khố; đàn bà quấn váy tấm, mặc áo cộc luồn đầu. Đồ trang sức của nữ có vòng đeo cổ tay, vòng đeo cổ, các loại vòng cườm, bông tai bằng đồng thau hay bằng bạc.
Rắc-lây là một trong những dân tộc thiểu số anh em trên đất nước Việt Nam. Họ còn là một chứng nhân lịch sử từ xa xưa ở vùng đất Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Với những nét văn hóa riêng biệt, phong tục, ẩm thực góp phần tạo thêm sự phong phú hòa quyện cho mảnh đất Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều kiện giao thông đi lại nơi người Rắc-lây sinh sống còn khó khăn nên văn hóa truyền thống của người Raglai chưa được nghiên cứu nhiều. Người Raglai không có chữ viết nên tư liệu thành văn cổ hầu như không có.
Để tìm hiểm cũng như trải nghiệm về nét văn hóa đặc trưng của người Rắc-lây tại Khánh Hòa bạn có thể đến Huyện Khánh Sơn hoặc Khánh Vĩnh trong khu du lịch Yang Bay, huyện Khánh Vĩnh.

Liên quan:
CÂY SẦU RIÊNG Ở KHÁNH SƠN – KHÁNH HÒA
ĐIỀU GÌ LÀM DU LỊCH KHÁNH HÒA HẤP DẪN?
THÁP BÀ POH NAGAR NHA TRANG– DẤU ẤN VĂN HÓA CHĂM PA MỘT THỜI
Bạn phải đăng nhập để bình luận.