ĐÌNH LÀNG THỦY TRIỀU CAM LÂM KHÁNH HÒA


Đình Thủy Triều là một trong những ngôi đình cổ trên vùng đất Khánh Hòa nói chung và vùng đất Cam Lâm nói riêng. Di tích tồn tại cùng với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất. Đó là một minh chứng cho sự ra đời và phát triển của làng Thủy Triều suốt triều dài lịch sử, trong đó hội tụ hầu như đầy đủ những giá trị mà các bậc tiền nhân sáng tạo ra và lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Điểm nổi bật nhất của đình Thủy Triều là hệ thống kiến trúc mang nét đặc trưng, với những hoa văn trang trí tinh xảo, mang đậm phong cách truyền thống của người Việt.

Chính điện Đình Thuỷ Triều

Đình Thủy Triều được xây dựng vào năm 1756, hàng năm vào dịp 18 đến 19 tháng 3 Âm lịch dân làng tổ chức lễ cúng và cứ 3 năm tại đây lại có một lễ hát tuồng theo truyền thống. Đình làng Thủy  Triều được xếp hạng Di tích văn hóa cấp Tỉnh.

Xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm ngày nay được hình thành vào khoảng năm 1653 dưới thời Chúa Nguyễn. Lúc bấy giờ Chúa Nguyễn lập thành 2 phủ: Phủ Thái Khang ở phía Bắc (có hai huyện là Quảng Phước và Tân Định); phủ Diên Ninh ở phía Nam (có 3 huyện là Vĩnh Xương, Phước Điền và Hóa Châu). Riêng huyện Vĩnh Xương có 9 tổng, bao gồm tổng Thủy Triều, Cam Linh, Thịnh Xương và 6 tổng miền núi. Trong thời kỳ này, Cam Hải Đông ngày nay thuộc làng Thủy Triều, tổng Thủy Triều, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Ninh. Ban đầu vùng này dân cư thưa thớt, chỉ có chừng vài chục người, chủ yếu là ngư dân từ các tỉnh thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… đi bằng ghe bầu xuôi về Nam đánh bắt hải sản và buôn bán, ghé vào đây tránh gió bão rồi phát hiện vùng đất này có nhiều thuận tiện nên đã chuyển vào sinh sống quanh đầm Thủy Triều với nghề chính là khai thác, đánh bắt thủy sản. Người xưa kể lại rằng do dòng nước trong đầm khi lớn, khi ròng theo quy luật thủy triều lên xuống nên nhân dân đã đặt tên làng là làng Thủy Triều và tên đầm là đầm Thủy Triều.

Đình Thủy Triều nay thuộc thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa (xưa là Hà Bạc Thuộc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh), cách thành phố Nha Trang khoảng 40 km về hướng Nam.  
Qua các tài liệu được nghiên cứu tại đình cho biết, khoảng năm Bính Tý (1756) một số ngư dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định trong đó có các ông Trần Chấn, Nguyễn Tảo từ biển đi thuyền ngược đầm Thủy Triều, đóng trại cất nhà.

Đình Thuỷ Triều Cam Lâm Khánh Hoà

Đất lành chim đậu, dần dần bên vùng đất quanh đầm Thủy Triều đã hình thành làng xóm, những phong tục tập quán ở nơi cư trú cũ cũng được người dân mang đến đây rồi gìn giữ và duy trì, tạo nên nét văn hóa riêng của xã Cam Hải Đông. Cho đến nay, trên vùng đất Cam Hải Đông vẫn còn lưu lại nhiều di tích văn hóa, tín ngưỡng như Chùa Thanh Sơn, Đền thờ Quan Thánh (nhân dân thường gọi là Chùa Thanh Triều hay Chùa Ông), miếu thờ Ngũ hành Thần nữ (gồm có miếu ấp Thượng, ấp Trung, ấp Hạ và miếu Vinh Triều), miếu thờ Hà Bá, Lăng thờ Ông Nam Hải, trong đó đáng chú ý là Đình làng Thủy Triều.

Trong đình có cặp câu đối bằng chữ Hán Nôm có hai chữ đầu được ghép từ tên đình:
Phiên âm
Thủy cư thủy hưởng nguy nguy hồ thạch đức
Triều lạc triều ca trạc trạc nhĩ hoằng ân

Dịch nghĩa
Ở với nước, hưởng bởi nước, đức thạnh cao lớn thay
Vui cùng (thủy) triều, ca cùng (thủy) triều, ơn sâu rực rỡ vậy

Đình làng Thủy Triều là nơi thờ thần Thành Hoàng Bổn xứ – vị thần chủ tể trên cõi thiêng của thôn làng. Đình hình thành vào năm 1917, được dựng tạm bằng mái vỏ tràm, tường đất. Năm 1920 nhân dân đóng góp xây dựng Đình bằng mái ngói âm dương, tường gạch. Năm 1947, giặc Pháp chiếm đóng làng Thủy Triều, lấy Đình làm đồn đóng quân. Năm 1954 khi nhân dân hồi cư thì Đình đã bị giặc Pháp phá hủy hoàn toàn nên đến năm 1956 dân làng đã đóng góp để xây dựng lại Đình. Qua thời gian, Đình bị xuống cấp nên năm 2004 nhân dân tiếp tục đóng góp tôn tạo lại Đình. Những năm tiếp theo Đình tiếp tục được tu sửa, mở rộng khang trang như hôm nay. Đình Thủy Triều đã được phong Sắc nhưng do chiến tranh, loạn lạc nên các đạo Sắc phong đã bị thất lạc.

Năm 2013, Đình làng Thủy Triều được xếp hạng Di tích văn hóa cấp tỉnh. Vào dịp 18 đến 19 tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng đều tổ chức lễ hội cúng tế và cứ mỗi 3 năm thì tổ chức hát tuồng theo lệ. Do hoàn cảnh và chiến tranh, việc tổ chức phần hội bị gián đoạn, mãi đến năm 1994, lễ hội Đình làng Thủy Triều mới được khôi phục lại với phần Lễ và phần Hội theo nghi thức truyền thống. Lễ hội Đình làng Thủy Triều cũng là dịp để hầu hết nhân dân trong xã gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe, trao đổi công việc làm ăn… Đối với những người dân đi làm ăn xa, thì đây cũng là thời điểm họ thường lựa chọn về thăm quê để được tham dự lễ hội. 

Hiện nay sau đình còn có một cây me cổ thụ đường kính gần 3m – đây là một trong những cây me cổ thụ lớn nhất khu vực Nam Khánh Hòa. Theo các vị cao niên cho biết Đình Thủy Triều có niên đại cùng với cây Me cổ thụ phía sau Đình, khoảng 300 năm tuổi, đường kính thân cây chỗ rộng nhất gần 3m, vừa 5 người ôm, đang phát triển tốt, cành lá xum xuê. Là người làm công tác văn hóa, mình mong muốn Cây Me được công nhận là cây di sản và được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể.

Đình Thủy Triều là Di tích văn hóa cấp tỉnh, đang được nhân dân và cán bộ xã Cam Hải Đông ra sức gìn giữ và tôn tạo. Các hoạt động Lễ hội của Đình Thủy Triều tạo nên một nét văn hóa rất riêng của làng quê Việt Nam. Lễ hội Đình làng Thủy Triều là dịp để con cháu dân làng Thủy Triều ở khắp nơi cùng tề tựu sum vầy để dâng lên Thần ân và tổ tiên nén nhang thành kính, ước mong đời sống được an lành. Đồng thời Lễ hội cũng góp phần giáo dục cho con cháu truyền thống bảo tồn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Xem thêm:

CHÙA THANH SƠN – CAM LÂM – KHÁNH HOÀ

CHÙA CỔ THANH TRIỀU CAM LÂM

ĐẦM THUỶ TRIỀU Ở KHÁNH HOÀ

TOP 8 ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH Ở CAM LÂM

TỔNG HỢP QUÁN NGON CAM LÂM KHÁNH HÒA

Advertisement